Ngày đăng: 14 - 02 -2020

Giải trình làm rõ thêm sau khi có nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh khẳng định, KHCN đã có chuyển động mạnh và đúng hướng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: TL.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: TL.

KHCN đã sát cánh với thực tiễn

Trong hơn 1 ngày thảo luận của Quốc hội, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc thực thi các chính sách về KHCN, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, ứng dụng KHCN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, được Đảng và Nhà nước ưu tiên, do đó đã có những chủ trương xuyên suốt về KHCN.

“Chúng ta đã có cơ hội biến thành giải pháp cụ thể, nhất quán hơn, làm cho KHCN đồng hành sát hơn với các ngành, các cấp, sát hơn với yêu cầu thực tiễn của kinh tế – xã hội. Cụ thể, các Nghị quyết Trung ương từ Đại hội XII của Đảng đều có nội dung làm rõ nội hàm KHCN, từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân, vai trò nhà nước và định hướng phát triển trong từng ngành, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Theo Bộ trưởng, Bộ đã đề ra các giải pháp trong chỉ đạo của các cấp, các ngành. Đặc biệt giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể chế chính sách KHCN suốt chặng đường từ khi hội nhập quốc tế đến nay. Cùng với đó là thể chế pháp luật, không chỉ các đạo luật trực tiếp như Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ mà các luật có liên quan cũng đề cập đến khoa học, công nghệ. Các nghị quyết, chương trình, chương trình hành động, chỉ thị, kết luận của Thủ tướng đều đưa ra giải pháp phối hợp hành động của các ngành về KHCN.

Trong tổ chức thực hiện, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hành động, đưa vào nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ, phân công từng bộ, ngành, địa phương… thực hiện.

Vị Tư lệnh ngành KHCN khẳng định: “Đánh giá khách quan của quốc tế trên các mặt công tác, chúng tôi vui là sát với thực tế, có chuyển động mạnh và đúng hướng”.

61 kiến nghị và 57 ý kiến chất vấn về KHCN

Trước đó, 61 kiến nghị của cử tri gửi đến Ban Dân nguyện và 57 ý kiến chất vấn đối với lĩnh vực KHCN.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, hằng năm, mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng nước ta đã dành một khoản nhất định trong tổng chi ngân sách nhà nước cho KHCN.

Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh, báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi QH tại kỳ họp này thì ngân sách dành cho KHCN năm 2019 là 32.666 tỷ đồng nếu chi đủ 2%. Theo đó, chi sự nghiệp KHCN là 12.825 tỷ đồng, số kinh phí còn lại là 19.841 tỷ đồng là chi cho đầu tư và phát triển.

“Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng dần trong những năm qua. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 42/129 quốc gia và xếp thứ 3 trong khối ASEAN. Như vậy, theo báo cáo hoạt động KHCN đã đạt được nhiều kết quả tích cực và làm thay đổi diện mạo nền kinh tế. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn liệu những con số này đã phản ánh thực chất được đóng góp của KHCN vào phát triển kinh tế – xã hội hay chưa?”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh băn khoăn.

ĐB cho rằng, cần thiết phải có một hệ thống chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động KHCN. Đánh giá những đóng góp của KHCN vào phát triển kinh tế – xã hội không chỉ được cử tri quan tâm mà còn được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XII. Ngay tại kỳ họp này Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã nêu rõ đề nghị đánh giá về thực trạng tác động của KHCN đối với tăng trưởng kinh tế.

Do đó, ĐB kiến nghị Chính phủ cần thiết phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu có tính pháp lý về vấn đề này chứ không phải chỉ dừng lại ở cách tiếp cận chung chung như là quan tâm, khuyến khích, đẩy mạnh tăng cường… Cần giao cho ngành kế hoạch và phải tham mưu xây dựng bộ chỉ tiêu này trở thành chỉ tiêu pháp lệnh, đo lường được để nhất quán chỉ đạo từ trung ương đến địa phương.

“Hiến pháp và nghị quyết Đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ đã khẳng định KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc xây dựng một bộ chỉ tiêu có tính khoa học, hệ thống sẽ giúp đánh giá đúng và đầy đủ mức độ đóng góp của KHCN cho phát triển kinh tế – xã hội. Đây là cơ sở để đầu tư và phân bổ ngân sách, xây dựng kế hoạch phát triển KHCN cũng như để cử tri giám sát hoạt động KHCN một cách hiệu quả hơn”, ĐB tỉnh Long An kiến nghị./.

Nguồn: “Minh Anh – Thời báo tái chính”.