Ngày đăng: 14 - 02 -2020

Với suy nghĩ “Quy mô sản xuất của đơn vị mình còn nhỏ, chưa đủ lực để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu ra các nước trên thế giới…”, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) còn rất dè dặt trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.

Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001
Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001

Thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đã đến, tiêu chuẩn ISO được coi là “giấy thông hành”, thể hiện uy tín của doanh nghiệp, nếu không nhanh chóng nâng cao vị thế của doanh nghiệp thì rất khó có thể cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

ISO 9001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng được áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở tất cả các lĩnh vực từ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho tới hành chính công, không kể quy mô và trình độ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thường “ngại” ISO

Khi hỏi đến vấn đề áp dụng ISO, các doanh nghiệp cho rằng mình còn nhỏ, chủ yếu làm hàng gia công sản phẩm cho doanh nghiệp lớn hay thị trường tiêu thụ hạn hẹp nên không nhất thiết phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu đúng về vai trò của ISO, cũng có doanh nghiệp đã biết song không muốn bỏ ra hàng chục triệu đồng mà không lập tức thu lại lợi nhuận, và họ bằng lòng với quy mô hoạt động của mình. Đa số các đơn vị sản xuất vừa và nhỏ chiếm lĩnh thị trường bằng cách bán sản phẩm giá rẻ thì khó có hàng mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, không thể thuyết phục người tiêu dùng tin cậy. Điều đó gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác.

Trong hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là một tiêu chí không thể thiếu. Trên mỗi sản phẩm có biểu tượng đạt chứng chỉ ISO 9001 sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Hiện nay, người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa rất chú trọng xem nhãn mác, thương hiệu của mỗi sản phẩm khi mua hàng.

Hệ thống quản lý chất lượng là một tập hợp các hoạt động của một tổ chức để thiết lập nên chính sách và mục tiêu nhằm nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng và tuân thủ luật định, tạo ra các quy trình, hướng dẫn, tiêu chuẩn, môi trường,… nhằm đạt các mục tiêu. Nên, để xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trong doanh nghiệp là không khó, chỉ cần nhận thức được vai trò của nó với sự phát triển của doanh nghiệp. Trước tiên, phải tham gia các khóa đào tạo, tập huấn kết hợp tự tìm hiểu thông tin về ISO 9001 trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ). Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào doanh nghiệp và được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.

Các doanh nghiệp đã áp dụng tốt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 khác hẳn so với các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống này. Những lợi ích mà chứng nhận ISO 9001 mang lại cho doanh nghiệp, đó là sự nghiêm ngặt ngay từ quy chế của cơ quan đến tác phong quản lý, làm việc của tất cả mọi người trong doanh nghiệp:

  • Giúp lãnh đạo quản lý hoạt động của doanh nghiệp khoa học và hiệu quả hơn;
  • Cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng lợi nhuận nhờ sử dụng hợp lý các nguồn lực, tiết kiệm chi phí và cải tiến liên tục;
  • Sản phẩm có chất lượng ổn định hơn, nâng cao năng suất;
  • Giảm phế phẩm, giảm chi phí và giá thành sản phẩm;
  • Thỏa mãn nhu cầu chất lượng ngày càng cao của khách hàng;
  • Xây dựng thương hiệu bền vững nhờ đáp ứng được yêu cầu của ngành và nhà nước về quản lý chất lượng;
  • Tăng cơ hội quảng cáo, quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp.

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO mang lại cho doanh nghiệp giá trị uy tín trên thị trường và ngay cả những người lao động trong đơn vị đó cũng được hưởng những chế độ, sự ưu đãi tốt khiến họ tận tâm, tận lực với công việc hơn, từ đó lại nhân lên hiệu quả công việc và mang đến thành công cho doanh nghiệp.